image banner
Bảo đảm an toàn trong khai thác đá: Thường xuyên kiểm tra, giám sát !
Lượt xem: 112
Với trữ lượng khoảng hàng trăm triệu m3 đá vôi, si-líc và sét, huyện Thủy Nguyên là địa phương có nhiều mỏ khai thác đá lớn của Hải Phòng. Những năm gần đây, công tác quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn đã có chuyển biến tích cực ...

    Bảo đảm an toàn trong khai thác đá: Thường xuyên kiểm tra, giám sát !

 
    Với trữ lượng khoảng hàng trăm triệu m3 đá vôi, si-líc và sét, huyện Thủy Nguyên là địa phương có nhiều mỏ khai thác đá lớn của Hải Phòng. Những năm gần đây, công tác quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn đã có chuyển biến tích cực nhưng vẫn bộc lộ nhiều hạn chế...


    Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn
    
    Theo báo cáo của UBND huyện Thủy Nguyên, ước tính trên địa bàn huyện có trữ lượng tới 380 triệu m3 đá vôi, 33 triệu m3 si-líc và 360 triệu m3 sét. Khảo sát tại các khu vực mỏ khai thác đá ở các xã Lưu Kỳ, Lại Xuân, An Sơn… cho thấy, tại đây phương pháp khai thác bán thủ công, thủ công vẫn chiếm phổ biến. 

    Trong khi đó, theo quy trình kỹ thuật, bảo đảm an toàn lao động, nhà sản xuất phải khai thác theo kiểu cắt tầng, phân lớp, làm từ trên đỉnh xuống dần đến chân núi. Mỗi tầng khai thác phải bạt rộng ra, bóc hết lớp đá này mới đến lớp khác. Tuy nhiên nếu làm theo quy trình này thì bảo đảm an toàn, nhưng suất đầu tư trên một đơn vị sản phẩm hàng hóa cao, sản lượng khai thác không nhiều, năng suất không cao, lợi nhuận của chủ đầu tư thấp. Do đó, để giảm chi phí, tăng lợi nhuận, một số chủ đầu tư bất chấp nguy hiểm, chọn cách khai thác từ… dưới chân núi lên. 

    Hay để khoan các lỗ mìn, công nhân vẫn sử dụng hệ thống khoan tay chạy bằng khí nén bóc theo vách núi một cách tùy tiện, không theo quy trình nào… Thực tế qua vụ sập mỏ đá Lèn Cờ (huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) làm chết 18 người và bị thương 6 người là minh chứng cảnh báo việc vi phạm quy chế khai thác, thực hiện không đúng quy trình đảm bảo an toàn trong khai thác. Cụ thể hơn trong tai nạn nghiêm trọng này là do việc đơn vị khai thác tiến hành khoan cắt chân của những phiến đá vỉa tạo ra hàm ếch phía dưới, dẫn đến sập mỏ đá… 

    Theo báo cáo của UBND huyện Thủy Nguyên, trong số hơn 20 DN trên địa bàn có giấy phép khai thác khoáng sản thì chỉ có một vài đơn vị khai thác mỏ có quy mô công nghiệp với các thiết bị khai thác đồng bộ, hiện đại và thực hiện theo quy trình khai thác an toàn. Còn lại nhiều đơn vị có quy mô khai thác nhỏ và khai thác tận thu bằng hình thức bán cơ giới và thủ công. Bên cạnh đó, một số đơn vị cũng thực hiện tập huấn an toàn lao động, kiểm soát vật liệu nổ, trang bị bảo hộ lao động, nhưng cũng còn khá nhiều đơn vị chưa quan tâm đến vấn đề này, nhất là không tuân thủ quy trình khai thác mỏ an toàn. Ngoài ra, nạn khai thác đá thổ phỉ vẫn diễn ra, tuy không nhiều và quy mô như những năm trước… 

    Thực tế cũng cho thấy, còn một số DN hoạt động chưa có thiết kế mỏ, không đăng ký thời gian xây dựng cơ bản mỏ, chưa có hệ thống xử lý môi trường đạt chuẩn, thiếu kinh nghiệm, thiếu đội ngũ chuyên gia, cán bộ kỹ thuật chuyên sâu, thiết bị công nghệ lạc hậu tác động xấu đến môi trường và lãng phí tài nguyên quốc gia. Cùng với đó là việc cấp phép còn chồng lấn giữa các DN, phát sinh tranh chấp nhiều. Việc kiểm tra, giám sát sau cấp phép còn buông lỏng và sự phối hợp giữa các ngành với địa phương trong quy hoạch, quản lý khai thác thiếu chặt chẽ. Tại khu vực mỏ, môi trường sống ô nhiễm, đường giao thông bị xuống cấp. 

    Nhiều DN không quan tâm đến an toàn lao động, phục hồi môi trường, hạ tầng giao thông, đóng góp cho ngân sách nhà nước bằng việc nộp thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật; hoặc có thu cũng thấp hơn nhiều so với khối lượng thực tế. Mặt khác, lượng đá vôi trên địa bàn không phải là lớn, nhưng lại quy hoạch tới 6 nhà máy xi măng khiến nguy cơ cảnh quan, môi trường và các điểm di tích khu vực núi bị xâm hại rất lớn, tạo sự cạnh tranh quyết liệt trong khai thác nguyên liệu và tạo điều kiện tiếp tay cho nạn khai thác thổ phỉ...



    Tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra và giám sát

    Ông Lê Minh Luật, Bí thư Huyện ủy Thủy Nguyên cho biết, Huyện uỷ có hẳn một nghị quyết chuyên đề về vấn đề này; đồng thời thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra, xử lý, ngăn chặn nạn khai thác đá thổ phỉ, nhắc nhở các đơn vị thực hiện nghiêm túc quy trình khai thác và thực hiện các quy định về an toàn trong sản xuất, khai thác đá và giao trách nhiệm cá nhân cũng như hình thức kỷ luật đối với lãnh đạo chủ chốt các xã nếu để xảy ra tình trạng khai thác đá trái phép… Kết quả đã phát hiện và xử lý 25 vụ khai thác khoáng sản trái phép, xử phạt hàng trăm triệu đồng và tịch thu nhiều máy móc, thiết bị vi phạm...

    Được biết, hiện nay trên địa bàn huyện Thủy Nguyên, ngoài Công ty xi măng Phúc Sơn, xi măng Chinfon, xi măng Hải Phòng là những đơn vị khai thác mỏ có quy mô công nghiệp với các thiết bị khai thác mỏ đồng bộ, hiện đại và thực hiện theo quy trình khai thác an toàn, một số đơn vị khai thác khác cũng đã triển khai một số công đoạn sản xuất an toàn, hạn chế ô nhiễm môi trường như Công ty TNHH Vật liệu và Xây dựng Quyết Tiến… Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần rà soát, kiểm tra, đánh giá lại những dự án khai thác chế biến khoáng sản, kiên quyết thu hồi dự án khoáng sản không bảo đảm yêu cầu. Đồng thời tăng cường bảo đảm an toàn khai thác, thường xuyên kiểm tra, kiểm soát thiết kế kỹ thuật, quy trình khai thác đối các DN được cấp phép.


(theo VĂN HUY- Báo www.anhp.vn)
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Tin mới